Đà Nẵng: Nguồn nước ô nhiễm, dân nghèo nhắm mắt dùng nước nhiễm phèn

Hàng trăm hộ dân nghèo đang sinh sống tại địa bàn 2 phường Hòa Quí và Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải.

Nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn, nhiễm mặn kéo dài trong hành chục năm trời nhưng tới nay vẫn chưa được cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.
Trạm xử lý nước thải hành dân:
Mỗi ngày, có tới hàng chục ngàn mét khối nước thải được xả ra môi trường từ trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn, phường Khuê Mỹ đã khiến người dân sống sống xung phải chịu cảnh ô nhiễm suốt hàng chục năm nay. Người dân bức xúc vì chịu mãi cảnh ô nhiễm nhưng cũng đành chịu và phải sống chung với ô nhiễm.

Dẫn chúng tôi ra khu vực có đường ống xả nước thải đen ngòm từ trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn xả ra dòng sông Cổ Cò, ông Phạm Tuấn, tổ trưởng tổ 91, phường Khuê Mỹ, lo lắng: “Hơn 50 hộ dân trong tổ phải hưởng trọn mùi hôi thối mỗi khi nước thải đổ ra từ đường ống của trạm mỗi ngày. Do nước thải xả ra quá nhiều khiến cá sông dọc khu vực này chết dần dần buộc người dân phải bỏ ghe để lên bờ đi làm thuê. Do gần đây, bà con thấy cá lồng bè chết quá nhiều nên lo sợ và bất an nên đã gửi đơn khiếu nại lên UBND phường, yêu cầu xử lý trạm xử lý nước thải xả thải gây cá chết, môi trường ô nhiễm, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng”.

Người dân cho biết, khu vực này thường xuyên xảy ra hiện tượng cá chết, mặt nước sông đục ngầu do nước thải xả ra quá nhiều. “Trước đây, mỗi ngày người dân đi ghe trên sông cũng kiếm được hơn 100 ngàn đồng nhờ vào việc đánh lưới. Nhưng 3 năm trở lại đây, do lượng cá không còn nhiều nên chúng tôi đành bỏ ghe để lên bờ kiếm sống. Mất nghề, sinh hoạt bị xáo trộn do nước sông ô nhiễm từng ngày khiến người dân ngày càng bức xúc. Tới năm 2016, TP lại cho xây kề bê tông cao hơn 3m chắn ngay bờ sông càng khiến lượng nước thải xả ra bị ứ đọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc gấp hàng chục lần. Người dân đã mất kế sinh nhai, nay lại phải sinh hoạt trong bầu không khí ô nhiễm nặng nề” – ông Trương Huỳnh, ngụ tổ 91, phường Khuê Mỹ, bức xúc.
Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ, cho biết: “Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn đã hoạt động hơn 10 năm nay và khiến cuộc sống người dân rơi vào cảnh bất an do ô nhiễm. Hiện khu vực quanh trạm xử lý nước thải nằm trong vùng giải tỏa với hơn 149 hồ sơ và hiện vẫn còn hơn 20 hồ sơ chưa được xử lý do vướng khâu đền bù, giải tỏa. “Người dân viết đơn khiếu nại về ô nhiễm trên là chuyện bình thường do mỗi lần lượng nước thải xả ra quá mức, trạm lại cho giảm công suất hoạt động nên tình trạng ô nhiễm kéo dài đến nay” – ông Nghĩa nói.

Trao đổi với PV, ông Mai Mã – Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng (đơn vị quản lý Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn) – cho rằng hoạt động xử lý nước thải của trạm nhằm mục đích bảo vệ môi trường nhưng do trạm sử dụng công nghệ xử lý bậc 1 từ những năm 2000 nên lượng nước thải sau xử lý có mùi hôi kèm một lượng lớn chất coliform ra môi trường chưa được xử lý triệt để. Hiện hiệu suất hoạt động của trạm chỉ đạt 50 % nên mỗi ngày xử lý được gần 10 ngàn m3 nước thải sau xử lý ra môi trường.
Về giải pháp khắc phục ô nhiễm, ông Mã khẳng định trong thời gian tới, hệ thống nước thải của trạm sẽ được Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hệ thống ưu tiên TP thực hiện viêc đấu nối đường ống dẫn nước thải về khu vực Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Khi đó, nước thải sau xử lý sẽ đạt chuẩn loại A, không còn gây ô nhiễm. Khu vực tram xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn sau đó sẽ trở thành trạm bơm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Người dân khu vực này sẽ được tiếp tục ở lạị chỗ cũ do ô nhiễm sẽ không còn, phương án di dời dân trước đó sẽ không được thực hiện.
Hàng chục năm dùng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn

Chỉ cách đó độ vài chục mét và nhìn qua bờ sông Cổ Cò, là cảnh sống khổ sở mà hơn 10 năm nay, gần 80 người dân ở khối Đồng Nò, phường Hòa Quý phải gánh chịu vì thiếu thốn nước sạch do nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng lẫn do nguồn nước sông bị ô nhiễm kéo dài.
Ngoài việc thiếu nước sạch, khu vực Đồng Nò đang nằm trong vùng giải tỏa đã nhiều năm nhưng tới nay vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng càng khiến cuộc sống người dân lâm vào cảnh khốn khổ.
Khu vực Đồng Nò trước đây được xem như là “ốc đảo” do bị bao quanh bởi nhánh sông Cổ Cò, đến những năm 80 của thế kỷ trước, vài hộ dân ở nơi khác tới đây mở cầu tạm để vào khai khẩn đất hoang rồi lập nghiệp cho tới bây giờ.
Vào năm 2006, chính quyền Đà Nẵng có chủ trương thu hồi toàn bộ diện tích đất tại khu vực Đồng Nò để giao cho một chủ đầu tư triển khai dự án Khu đô thị sinh thái biệt thự làng quê Đồng Nò. Nhưng kể từ đó tới nay, quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa thực hiện xong khiến người dân chờ đợi mệt trong mỏi đến tận hôm nay vẫn chưa thấy dự án rục rịch.

Ông Trần Đình, ngụ tổ 36, khối Đồng Nò, kể: “Từ năm 2007 tới nay, nguồn nước ngầm trong vùng trở nên nổi phèn mỗi khi bơm lên. Bà con muốn có nước sạch để sinh hoạt thì phải cho nước phèn vào thùng nhựa sau khi bơm lên và để lắng trong 3 – 4 ngày, sau đó lấy ra để sinh hoạt mặc dù nước vẫn còn mùi hôi. Cực nhất là những lúc trời hạn, chúng tôi phải lấy can nhựa chạy hàng cây số qua các khối lân cận để xin hoặc mua nước sạch về dùng tạm. Chỉ có mỗi việc tìm nước sạch không, chúng tôi đã thấy khổ sở vô cùng rồi”.
Ông Trần Thanh Tuấn, trưởng khối Đồng Nò, thống kê: “Cả khối hiện có tới gần 80 hộ dân với hơn 320 nhân khẩu hiện đang sống trong tình cảnh thiếu thốn nước sạch trầm trọng. Đa số nhà người dân điều có máy bơm nước nhưng mỗi khi bơm lên, nước đều nổi phèn vàng khè nên không thể dùng được. Mới đây, một đơn vị tiến hành nạo vét lòng sông Cổ Cò đã khiến nguồn nước nơi đây bị nhiễm mặn nên người dân không thể lọc nước như trước kia. Cả khu vực Đồng Nò rộng hơn 33 ha giờ đang đối diện với tình cảnh khát nước sạch và ngày càng tiêu điều do nằm trong vùng giải tỏa của thành phố”.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quí, xác nhận: “Mặc dù chính quyền phường đã nhiều lần kiến nghị lên Công ty Cấp nước sạch quận Ngũ Hành Sơn về việc nối đường ống để dẫn nước sạch về Đồng Nò nhưng đơn vị này khẳng định khu vực trên nằm trong vùng giải tỏa, chờ thi công nên không thể thực hiện việc cấp nước sạch. Người dân hiện đang rất khó khăn khi thời tiết nóng bức lại không có nước sinh hoạt”.

Theo: moitruongvadothi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0907918080
Chat ngay